Sự kiện nóng : Sốt xuất huyêt

Các phương pháp thường dùng trong phẫu thuật điều trị ung thư vú

2021-04-26 13:12:26.0

Bác sĩ sẽ xác định và lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú dựa trên loại ung thư, giai đoạn mô bệnh học, kích thước và đảm bảo rằng các tế bào ung thư có nhạy cảm với hormone hay không. Sức khỏe tổng thể và trình trạng bệnh nhân cũng được theo dõi nhằm lựa chọn được cách chữa bệnh phù hợp nhất.

1. Ung thư vú và yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú

1.1. Ung thư vú là gì?

Ung thư vú là tình trạng tế bào ung thư khởi phát tại vú. Các tế bào ung thư ác tính tập hợp thành khối u ác tính, chúng sinh sôi rất nhanh và di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể. Ung thư vú hầu hết xuất hiện ở nữ giới. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nam giới cũng có thể mắc bệnh này.

Theo cơ quan ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2012, có 1,67 triệu trường hợp mới mắc ung thư vú được chẩn đoán chiếm 25% tổng số các loại ung thư, trong đó có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở các nước công nghiệp hóa Bắc Mỹ, châu Âu. Tại Việt Nam, theo cơ quan ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2012, tỉ lệ mắc bệnh là 23/100000 phụ nữ.

1.2. Yếu tố nguy cơ gây ung thư vú là gì?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, tuy nhiên cũng có tới khoảng 50% trường hợp phụ nữ mắc ung thư vú mà không có yếu tố nguy cơ nào. Tuổi và nữ giới là hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ khác như tiền sử gia đình, di truyền, lối sống, môi trường sống…

Tiền sử gia đình

Nguy cơ mắc ung thư vú sẽ tăng lên 1,5 lần nếu bạn có mẹ hoặc chị hay em gái mắc ung thư vú, nguy cơ sẽ càng tăng cao nếu người mắc bệnh càng trẻ và số lượng người mắc trong gia đình càng đông.

Di truyền

Đột biến gen nhạy cảm ung thư vú BRCA1 và BRCA2 tăng nguy cơ ung thư vú rất rõ, gặp ở 5 – 10% trường hợp mắc ung thư vú. Trường hợp người phụ nữ nghi ngờ hay đã biết có đột biến gen này sẽ được tư vấn di truyền và các biện pháp tầm soát, phòng ngừa ung thư vú.

Nội tiết tố nữ

Tăng tiếp xúc với estrogen nội sinh (có kinh sớm, mãn kinh muộn, không sinh con hay sinh con đầu lòng trễ sau 30 tuổi, phụ nữ mãn kinh Béo phì hay sử dụng Nội tiết tố thay thế sau mãn kinh) tăng nguy cơ ung thư vú.

Bệnh lành tính tuyến vú

Nếu có tăng sản không điển hình tiểu thùy hay ống tuyến vú (ADH, ALH) làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú lên 4 – 5 lần.

Tăng đậm độ mô vú trên phim X-quang tuyến vú

Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng vì làm khó phát hiện ung thư vú

Yếu tố lối sống, chế độ ăn uống

  • Chế độ ăn uống giàu chất béo, tình trạng thừa cân hay béo phì, ít vận động thế lực cũng là yếu tối nguy cơ của ung thư vú.
  • Uống rượu và hút thuốc lá đã được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư vú

Béo phì ở phụ nữ sau mãn kinh

Rất nhiều bệnh nhân phát hiện mắc ung thư vú khi gặp phải tình trạng béo phì ở độ tuổi sau mãn kinh.

Yếu tố môi trường tác động

Tiếp xúc với phóng xạ ion hóa trước 30 tuổi. Có thể gặp các trường hợp: xạ trị thành ngực để điều trị bệnh (vd: Lymphoma Hodgkin), người có bệnh lý phải chụp Xquang nhiều lần…

2. Phương pháp phẫu thuật ung thư vú

Thông thường, bệnh nhân ung thư vú phải trải qua nhiều giai đoạn bệnh với nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Trong đó, phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định điều trị trong giai đoạn sớm. Có 2 lựa chọn phẫu thuật cho hiệu quả điều trị tương đương nhau là: phẫu thuật bảo tồn tuyến vú và phẫu thuật cắt tuyến vú hoàn toàn. Lựa chọn phương pháp điều trị nào hoàn toàn tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể và ý muốn của từng bệnh nhân.

2.1. Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú

Một trong những phương pháp điều trị ung thư vú là phẫu thuật bảo tồn tuyến vú - cắt bỏ toàn bộ Khối u ác tính ở vú và các mô khỏe mạnh xung quanh mà vẫn giữ được hình dáng, kích thước vú gần tương đương. Sau khi cắt bỏ khối u ác tính, bệnh nhân sẽ được chỉ định xạ trị để tiêu diệt toàn bộ những tế bào ung thư còn sót lại.

Phương pháp phẫu thuật bảo tồn được chỉ định cho những bệnh nhân phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm khi khối u còn nhỏ. Thủ thuật điều trị này giúp người bệnh lạc quan, tự tin hơn vì không bị cắt bỏ hoàn toàn bầu ngực như phẫu thuật cắt tuyến vú hoàn toàn. Bên cạnh đó, phẫu thuật bảo tồn vú có thời gian phẫu thuật ngắn và phạm vi phẫu thuật hẹp hơn so với phẫu thuật cắt tuyến vú hoàn toàn. Đồng thời, phương pháp này giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ trong giai đoạn hậu phẫu và rút ngắn thời gian phục hồi cho bệnh nhân.

2.2. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú hoàn toàn

Phương pháp này còn gọi là phẫu thuật đoạn nhũ tận gốc. Đây là thủ thuật cắt bỏ toàn bộ vú và nạo hạch. Phẫu thuật đoạn nhũ là lựa chọn duy nhất cho các trường hợp có khối u vú lớn hoặc có nhiều khối u riêng rẽ phân tán khắp bầu vú. Với phương pháp này, người bệnh sẽ mất đi tuyến vú. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý cho bệnh nhân. Tuy nhiên, điều tích cực là kỹ thuật phẫu thuật tạo hình ngực đang ngày càng phát triển nên bệnh nhân có thể lựa chọn phương án này để tự tin hơn. Nếu lựa chọn Tái tạo vú sau khi phẫu thuật đoạn nhũ thì bệnh nhân sẽ phải trải qua một ca đại phẫu kéo dài, mất sức và có thời gian hồi phục lâu hơn.

3. Yếu tố ảnh hưởng tới lựa chọn phẫu thuật điều trị ung thư vú

Dù có hiệu quả điều trị tương đương nhưng không phải mọi trường hợp đều có thể điều trị phẫu thuật cắt tuyến vú hoàn toàn hoặc bảo tồn tuyến vú. Có một số yếu tố cần được xem xét khi quyết định nên lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào. Đó là:

  • Bệnh sử và khám lâm sàng: Là yếu tố giúp bác sĩ xác định tình trạng sức khỏe chung và các tình trạng bệnh lý khác của bệnh nhân. Chụp X-quang tuyến vú (giúp xác định kích thước, phạm vi và các đặc điểm khác của khối u) và Xét nghiệm vi thể khối u giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị ung thư vú bằng phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú hoàn toàn hoặc phẫu thuật bảo tồn vú cho phù hợp.
  • Nhu cầu và nguyện vọng của bệnh nhân: Bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ điều trị nếu có nguyện vọng bảo tồn tuyến vú. Điều quan trọng là cần cân nhắc xem việc điều trị bằng 2 phương pháp phẫu thuật trên có ảnh hưởng tới hiệu quả trị bệnh, sự tự tin, hoạt động Tình dục và chất lượng cuộc sống của người bệnh hay không. Khi cân nhắc về lợi ích và nguy cơ của phẫu thuật đoạn nhũ và phẫu thuật bảo tồn vú, cần chú ý tới những điểm gồm: thời gian sống sau ung thư vú, nguy cơ và hậu quả của tái phát tại chỗ, điều chỉnh tâm lý với việc điều trị, ảnh hưởng tới Thẩm mỹ và hoạt động tình dục.

4. Trường hợp nào nên ưu tiên cắt bỏ tuyến vú hoàn toàn?

  • Có từ 2 khối u riêng biệt trở lên ở các vị trí khác nhau trên vú;
  • Khối u lan tỏa, xâm lấn vào mô tuyến vú;
  • Đã xạ trị vào mô vú hoặc lồng ngực trước đó và do vậy không nên tiếp tục xạ trị;
  • Có thai và đó là lý do không nên xạ trị để tránh gây ảnh hưởng xấu cho thai nhi;
  • Còn sót tế bào ung thư sau khi thực hiện phẫu thuật bảo tồn vú dù đã cắt bỏ một lượng mô lớn;
  • Bị Xơ cứng bì Lupus ban đỏ hệ thống;
  • Có một số u lân cận và có các lắng đọng canxi trong cùng khu vực có u vú;
  • Kích thước khối u trên 5cm;

Khi ung thư vú được phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cân nhắc trên nhiều yếu tố để đưa ra lựa chọn phẫu thuật phù hợp với từng bệnh nhân. Chìa khóa giúp điều trị bệnh hiệu quả, nâng cao cơ hội khỏi bệnh và giảm nguy cơ biến chứng chính là tầm soát, phát hiện ung thư vú sớm.

Tầm soát và sàng lọc ung thư vú sớm giúp phụ nữ chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe và bảo vệ bản thân. Lợi ích của sàng lọc ung thư vú là phát hiện sớm ung thư, tăng cơ hội bảo tồn vú và bảo tồn vẻ đẹp của người phụ nữ. Không chỉ vậy, phát hiện bệnh sớm sẽ giúp điều trị bệnh ngay từ giai đoạn sớm, đạt hiệu quả cao, ít biến chứng, ngăn ung thư tiến triển, di căn hoặc tái phát, tiết kiệm nhiều chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Tìm kiếm bác sĩ theo chuyên khoa
Tìm kiếm bác sĩ theo quận tại Hà Nội
Tìm kiếm bệnh viện theo quận tại Hà Nội
Tìm kiếm phòng khám theo quận tại Hà Nội