Sự kiện nóng : Sốt xuất huyêt

Cách trị Táo bón sau sinh như thế nào?

2020-09-12 23:11:51.0

Táo bón sau sinh không chỉ gây đầy bụng, trướng hơi, ăn uống khó tiêu, mệt mỏi mà còn dễ bị trĩ nếu không được điều trị dứt điểm. Cách trị Táo bón sau sinh như thế nào?.

1. Vì đâu mà bị Táo bón sau sinh?

  • Sau sinh cơ thể người mẹ thường rất mệt mỏi, khiến cho người mẹ thường hạn chế vận động, đi lại do phải kiêng cữ. Việc nằm một chỗ, cơ thể ít vận động khiến hoạt động của ruột cũng yếu đi, khiến phân di chuyển chậm, phân lưu lại ruột bị tái hấp thu nước nhiều lần nên khô cứng gây táo bón
  • Chế độ Dinh dưỡng sau sinh cũng là nguy cơ ảnh hưởng đến tình trạng Táo bón của mẹ. Việc bổ sung quá nhiều chất Dinh dưỡng với mong muốn có nguồn sữa tốt cho con như chân giò, chân chó... mà vô tình quên đi việc bổ sung rau củ quả vào bữa ăn cũng là nguyên nhân gây tình trạng táo bón.
  • Khi cho con bú, một phần lượng nước trong cơ thể mẹ sẽ phải chia sẻ cho con bú. Nhưng Tâm lý người mẹ lại không dám uống nhiều nước vì cho rằng uống nhiều nước sẽ làm loãng sữa, con bú thiếu chất.
  • Một số chị em khi lâm bồn đều phải cắt nới tầng sinh môn để việc sinh em bé được dễ dàng. Thế nên sau sinh nhiều mẹ không dám đi đại tiện vì sợ đau, bục vết khâu nên thường nhịn hoặc hạn chế số lần đi đại tiện cũng là 1 nguyên nhân dẫn đến táo bón.

2. Cách trị Táo bón sau sinh

2.1 Cẩn trọng trong việc dùng thuốc điều trị

Đối với phụ nữ đang cho con bú việc sử dụng thuốc điều trị là ưu tiên hàng đầu. Mẹ cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bởi thuốc sẽ bài tiết qua sữa mẹ. Khi trẻ bú phải nguồn sữa vẫn chưa đào thải hết lượng thuốc ra ngoài, bé vô tình trở thành người dùng thuốc bị động, gây nên những ảnh hưởng không tốt.

Tuy nhiên, trường hợp mẹ bị táo bón quá nặng mà không chữa được bằng những phương pháp điều trị không dùng thuốc thì khi đó mẹ cần đi khám để có được sự tư vấn hợp lý nhất của bác sĩ về việc sử dụng thuốc.

Ngoài ra, có một lời khuyên nữa dành cho các mẹ bị táo bón sau sinh, là không nên sử dụng phương pháp thụt tháo để chữa táo bón, bởi việc thụt tháo sẽ tác động vào hậu môn gây nên những tổn thương đau đớn. Đặc biệt, việc dùng thuốc thụt lâu ngày sẽ làm giãn cơ trơn hậu môn gây mất phản xạ mót rặn.

2.2 Có chế độ ăn uống hợp lý

  • Sau sinh, việc ăn các loại thức ăn lợi sữa là rất quan trọng. Bên cạnh đó, mẹ cần bổ sung đầy đủ các loại rau, hoa quả tươi vào thực đơn hàng ngày. Táo bón xảy ra là do chế độ ăn thiếu chất xơ và nước.
  • Chất xơ giúp kích thích sự phát triển của các loại vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, các vi khuẩn này sẽ kích thích nhu động ruột tiết acid lactic kéo nước vào trong ruột làm mềm phân. Mặc dù chất xơ là phần không tiêu hóa, xong khi ở trong ruột nó sẽ hút nước và trương nở, tạo khối phân giúp thải khối phân ra ngoài cơ thể.. Vì vậy chất xơ hỗ trợ rất tốt trong việc phòng và điều trị táo bón. Cơ thể người lớn cần hấp thu khoảng 25-30g chất xơ mỗi ngày. Tất cả các loại rau xanh, trái cây khô, hạt ngũ cốc như là những thực phẩm chứa nhiều chất xơ và Pectin giúp kích thích gây tăng nhu động ruột và cảm giác mót rặn.
  • Để phòng chống táo bón sau sinh, các mẹ cũng nên ăn thêm sữa chua vì trong sữa chua có chứa probiotic giúp kích thích hệ tiêu hóa. Bổ sung các loại hoa quả giúp nhuận tràng như: Chuối- các mẹ có thể ăn hàng ngày, mỗi ngày 2 quả, ăn chuối chín không ăn chuối xanh bởi chuối xanh còn gây táo bón tệ hơn. Ăn bổ sung táo, lê, cam, bưởi cũng có tác dụng nhuận tràng.
  • Các mẹ cũng nên hạn chế các loại thức ăn khó tiêu như: đồ chiên rán, dầu mỡ, kiêng ăn các thức ăn tinh chế như súp đặc, thức ăn nhanh. Không sử dụng các loại chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê, chè đặc...
  • Khi ăn cần ăn đúng giờ, nên chia nhỏ bữa ăn và ăn các loại thức ăn lỏng , không ăn các loại thức ăn rắn, khó tiêu. Có thể bổ sung một cốc sữa chua trước khi đi ngủ, giúp cải thiện đáng kể vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
  • Uống nhiều nước và giữ cho tinh thần thoải mái vì stress cũng là một lý do ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây nên tình trạng táo bón. Bổ sung 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Nước có thể bổ sung ở nhiều dạng như: nước hoa quả, nước trong thức ăn, nước canh, nước lọc... Các mẹ nên uống ngay một cốc nước sau khi thức dậy giúp kích thích nhu động ruột và tốt hơn hết là nên uống nước ấm. Nước được hấp thụ một phần ở ruột non và ruột già. Tại ruột non, khi nước đã đảm bảo hấp thụ đủ thì khối phân sau quá trình tiêu hóa sẽ giữ được nước, phân trở nên mềm và mẹ sẽ không mất nhiều sức hay đau đớn khi đi nặng.
Một trong những loại thực phẩm giúp cho bà mẹ tạm biệt chứng táo bón sau sinh

2.3 Tập thể dục vận động

Sau khi sinh, do để tránh động tới vùng tổn thương mẹ thường ít vận động và hay nằm nghỉ ngơi tại giường. Thế nhưng theo các chuyên gia khoa sản, sau 2 ngày sinh thường, sản phụ đã có thể ngồi dậy và di chuyển ra khỏi giường. Do đó, để cải thiện chứng táo bón, mẹ nên cố gắng vận động nhẹ nhàng để kích thích quá trình trao đổi chất. Tốt nhất là mẹ nên tập bài tập Kegel cho phụ nữ sau sinh để củng cố phần sàn khung xương chậu.

Bài tập cấp độ 1:

  • Co cơ âm đạo rồi thả lỏng như bạn đang đi tiểu rồi nín lại
  • Lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, khi tập không dùng cơ bụng, chân, lưng và mông.
  • Đặt tay lên bụng khi tập nếu thấy bụng hơi phập phồng là chưa đạt
  • Khi tập cần thở đều, chậm và sâu.

Bài tập cấp độ 2:

  • Rửa sạch tay, luồn một ngón tay vào âm đạo, dùng âm đạo kẹp ngón tay này.
  • Nếu thấy âm đạo co lại nghĩa là bạn đã thành công, thực hiện nhiều lần để thấy kết quả
  • Hầu như các sản phụ thường không làm được ở lần đầu, do đó bạn cũng đừng nản lòng.

Bài tập cấp độ 3:

  • Co thắt âm đạo một chút, đếm đến 5
  • Co thắt thêm chút nữa, vẫn giữ trong 5 giây
  • Co thắt hết mức, lại giữ trong 5 giây
  • Thả lỏng, tiếp tục thực hiện lần lượt nhiều lần.

2.4 Thay đổi thói quen đi vệ sinh

Đi vệ sinh đúng giờ là một việc làm giúp các mẹ tránh tình trạng táo bón sau sinh. Cũng tuyệt đối không được nhịn đại tiện. Khi nhịn đi đại tiện sẽ làm tăng áp lực lên đại tràng, lâu dần sẽ làm mất cảm giác mót rặn. Ngoài ra, bỏ thói quen ngồi lâu trong nhà vệ sinh bởi ngồi lâu gây áp lực lớn lên các tĩnh mạch gây trĩ và táo.

2.5 Nghỉ ngơi nhiều

Nếu sau sinh việc chăm sóc em bé quá mệt mỏi do bé quấy khóc hãy tâm sự với chồng hoặc người thân để được giúp đỡ. Mẹ cần có thời gian nghỉ ngơi nhiều sau khi vượt cạn khó khăn cũng giúp các mẹ nhanh hồi phục sức khỏe không bị táo bón.

2.6 Thư giãn

Các chuyên gia cho rằng việc các mẹ thường xuyên lo lắng, căng thẳng quá mức cũng gây nên tình trạng táo bón và các vấn đề sức khỏe khác. Vì thế, mẹ nên dành thời gian thư giãn cho bản thân bằng nhiều cách như: nghe nhạc, ...

Thông thường, tình trạng táo bón sau sinh sẽ biến mất sau khoảng vài ngày đến một tuần, nên các mẹ không cần quá lo lắng. Thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày các mẹ sẽ thấy được tình trạng táo bón giảm dần. Tuy nhiên, Nếu tình trạng này vẫn không có gì tiến triển sau vài tuần, hãy liên hệ với các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị một cách hiệu quả nhất các mẹ nhé.

Mọi thắc mắc về Rối loạn kinh nguyệt, hãy hỏi bác sĩ chuyên khoa Sản Phụ khoa trên bcare.vn

Hãy Đặt lịch khám bác sĩ Sản phụ khoa trên bcare TẠI ĐÂY

Tìm kiếm bác sĩ theo chuyên khoa
Tìm kiếm bác sĩ theo quận tại Hà Nội
Tìm kiếm bệnh viện theo quận tại Hà Nội
Tìm kiếm phòng khám theo quận tại Hà Nội