Sự kiện nóng : Sốt xuất huyêt

Vắc-xin SII là vắc xin gì?, Cách sử dụng, chống chỉ định và Tác dụng không mong muốn

2021-10-13 15:15:39.0

Vắc-xin SII là một loại vắc-xin có tác dụng phòng được 5 bệnh truyền nhiễm sau: ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib. Tiêm phòng vắc-xin SII là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng các bệnh lý nguy hiểm này cần được thực hiện cho mọi trẻ em.

1. Tổng quan về vắc-xin SII

Vắc-xin SII hay vắc-xin DPT-VGB-Hib là một loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, Ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng Não mủ do Hib. Thành phần chính trong vắc-xin SII là sự phối hợp từ nhiều nguồn, bao gồm giải độc tố của vi khuẩn Bạch hầu và uốn ván, thành phần bất hoạt của vi khuẩn ho gà, kháng nguyên của vi rút gây bệnh Viêm gan B và kháng nguyên từ vi khuẩn Hemophilus influenza type b (Hib). Tuy chứa nguyên liệu trực tiếp từ các tác nhân gây bệnh, vắc-xin SII được chứng minh an toàn cho người sử dụng. Tác dụng của nó dừng lại ở việc kích thích hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất kháng thể đặc hiệu bảo vệ và không thực sự gây bệnh ở người sử dụng.

Vắc-xin SII là sản phẩm của công ty dược Serum Institute of India, được cấp phép tại Ấn Độ từ năm 2009. Một năm sau đó, vắc-xin SII được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt chuẩn vào 2010. Trải qua nhiều năm, vắc-xin SII đã được cho phép sử dụng rộng rãi trên gần 80 quốc gia, đã chứng minh cho sự hiệu quả và an toàn của nó. Đến tháng 9 năm 2018, vắc-xin SII đã chính thức được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành trong nước sau các thử nghiệm lâm sàng chứng minh tính an toàn trước đó.

Vắc-xin SII an toàn cho trẻ nhỏ

So sánh với các loại vắc-xin 5 trong 1 trước đó như ComBE Five, vắc-xin SII đã được chứng minh không có sự khác biệt về tính an toàn và hiệu quả, cũng như khả năng phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Viêm màng não mủ do Hib và viêm phổi do Hib tương đương nhau. Hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc-xin ComBE Five và vắc-xin SII đang được sử dụng song song nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

Vắc-xin SII được khuyến cáo bảo quản trong các hệ thống lạnh đạt chuẩn như buồng lạnh, tủ lạnh hay thùng lạnh chuyên dụng trong khoảng nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C. Nhiệt độ bảo quản không thích hợp có thể ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin.

2. Cách sử dụng vắc-xin SII

Vắc-xin SII được sử dụng miễn phí như một phần trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia dành cho mọi trẻ em trên 2 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi, cùng với vắc-xin ComBE Five để phòng ngừa 5 bệnh bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib. Để đạt được hiệu quả tối đa, vắc-xin SII cần được tiêm lặp lại ba mũi riêng biệt với khoảng thời gian giữa hai lần tiêm tối thiểu cách nhau một tháng.

Cần tiêm đúng lịch để vắc-xin phát huy hiệu quả phòng bệnh tốt nhất

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ nên được tiêm phòng vắc-xin SII vào các mốc thời gian 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Nếu bỏ qua các thời điểm trên, trẻ nên được đưa đến tiêm phòng càng sớm càng tốt. Đối với các trẻ trên 1 tuổi, vắc-xin SII vẫn được khuyên sử dụng với mức độ an toàn và hiệu quả tương đương. Tuy nhiên lúc này, trẻ không còn được hưởng chính sách miễn phí của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Một số trẻ trước đó đã tiêm 1 hoặc 2 mũi với loại vắc-xin ComBE FIVE vẫn có thể hoàn thành liệu trình tiêm bằng những mũi tiếp theo với vắc-xin SII mà không cần tiêm lại từ đầu.

3. Chống chỉ định tiêm phòng vắc-xin SII

Vắc xin SII không nên được chỉ định tiêm với những trẻ có các đặc điểm sau:

  • Sốt cao hoặc đang mắc các bệnh lý viêm nhiễm cấp tính
  • Dấu hiệu bệnh lý thần kinh, co giật
  • Tiền sử có phản ứng phụ với các loại vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, vắc-xin phòng Viêm gan B hay bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib như: co giật, giảm trương lực cơ, dị ứng, phản vệ, ...

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, khi đi tiêm phòng, bố mẹ và người thân nên mang theo sổ tiêm chủng của trẻ, khai báo với nhân viên y tế về tình trạng sức khoẻ hiện tại cũng như tiền sử bệnh tật, các tác dụng không mong muốn mà trẻ gặp phải trước đây khi đi tiêm chủng.

Bố mẹ mang theo sổ tiêm chủng khi đưa trẻ đi tiêm

4. Các tác dụng không mong muốn

Tương tự như hầu hết các loại thuốc khác, tiêm phòng bằng vắc-xin SII cũng có thể mang lại các tác dụng không mong muốn. Sốt phản ứng sau tiêm là tác dụng phụ phổ biến nhất. Trẻ có thể Sốt từ nhẹ đến mức trung bình, hiếm khi ghi nhận trường hợp nào Sốt cao trên 38,5 độ C. Phản ứng tại chỗ tiêm như đau, sưng, nóng đỏ, hình thành mảng cứng hoặc mảng xuất huyết cũng được ghi nhận ở một số trẻ.

Các tác dụng không mong muốn này thường nhẹ và tự khỏi mà không cần các biện pháp điều trị y tế đặc hiệu. Một số phản ứng sau tiêm ở mức nghiêm trọng hơn cũng được ghi nhận nhưng ở tần suất thấp, như:

  • Co giật, thường xuất hiện trong khoảng 3 ngày sau tiêm;
  • Khóc thét hoặc khóc dai dẳng kéo dài liên tục trên 3 giờ. Biểu hiện này thường tự giới hạn sau 48 giờ;
  • Trương lực cơ giảm và trẻ giảm đáp ứng với kích thích từ môi trường xung quanh;
  • Dị ứng, sốc phản vệ.

Để hạn chế các tác dụng phụ ảnh hưởng đến trẻ, bố mẹ và người thân cần tuân thủ quy định theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút. Việc phát hiện sớm các tác dụng không mong muốn có vai trò quyết định trong việc cấp cứu kịp thời và bảo đảm sự an toàn cho trẻ.

Tìm kiếm bác sĩ theo chuyên khoa
Tìm kiếm bác sĩ theo quận tại Hà Nội
Tìm kiếm bệnh viện theo quận tại Hà Nội
Tìm kiếm phòng khám theo quận tại Hà Nội